GIẤC MƠ XÂY TRÊN NƯỚC PHÁP
TẠP CHÍ: NỮ DOANH NHÂN/CON ĐƯỜNG KHỞI NGHIỆP
NTK Glamod Fashion, KHÁNH VÂN:
Bài: NGUYỄN PHƯƠNG – Ảnh: HOÀNG VŨ
Trong những ngày học thiết kế thời trang tại Paris, Khánh Vân đã kết hợp hai từ tiếng Pháp mang nghĩa “quyến rũ” và “phong cách thời thượng” để làm nên tên cho thương hiệu thời trang của riêng mình: Glamod Fashion
Vừa bước vào cửa hàng, tôi đã trông thấy Khánh Vân nổi bần bật lên giữa không gian trang nhã, tươi sáng. Có lẽ trừ mái tóc đen, từ đầu đến chân chị là một màu hồng tươi, rộn ràng. Khánh Vân mặc chiếc đầm chính hiệu Glamod màu hồng, thoa son hồng, tạo điểm nhấn cho đôi mắt với màu hồng. Sáng hôm ấy, vì thấy mẹ hồng nguyên một cây, cô con gái cưng mới hai tuổi đã rất tinh ý chọn cho mẹ một giày cao gót cũng hồng một cách “ton-sur-ton”. Buổi nói chuyện bắt đầu từ những câu chuyện hồi nhỏ của một cô bé đặc biệt thích vẽ hình các cô gái mặc đồ, chơi nghịch trong xưởng may của gia đình, thích gì làm nấy… Tuy nhiên, bước ngoặt thật sự của Khánh Vân chỉ bắt đầu khi chị mười tám tuổi.
DẤU ẤN TUỔI MƯỜI TÁM
Từ nhỏ, Khánh Vân bước vào tuổi mười tám, loay hoay chọn trường thi đại học và không thấy nơi nào phù hợp cho mình. “Tôi biết cái mình thích nhưng không biết phải đi đâu để tìm nó”, chị cười khúc khích. Đúng lúc ấy, nhà thiết kế (NTK) Ngô Thái Uyên mở lớp dạy thiết kế thời trang tại Hội Mỹ thuật. Khánh Vân trở thành một trong những học sinh lứa đầu tiên của NTK Ngô Thái Uyên. Học trò mười tám, còn cô giáo cũng mới hai mươi ba xuân xanh. “Chị Thái Uyên là người tạo nên nguồn cảm hứng thời trang mạnh mẽ cho tôi”, Khánh Vân nói. “Mặc dù, có thể nó đã có sẵn trong mình rồi nhưng mà khi được tiếp xúc với một người quá đam mê, tôi mới phát hiện ra điều đã tiềm ẩn sẵn trong con người mình”.
Khánh Vân tham gia hai cuộc thi thiết kế có uy tín trong nước, tạo được ấn tượng tốt, đặc biệt với một người mới tập tọng vào nghề như chị. Chị thi như đi chơi, coi đó là một cơ hội để làm quen với môi trường thiết kế chuyên nghiệp. Chị gọi cuộc thi mình tham dự là nơi của những ý tưởng bay bổng và nói rất thẳng thắn: “Thực tế, những món đồ như vậy chả ai mặc được”. “Định hướng của tôi là làm thời trang sử dụng được”, Khánh Vân nói. “Tức là, thời trang dành cho mọi người”.
Lý do Vân sang Pháp du học không liên quan nhiều lắm tới thời trang. Chị và chồng có một tình yêu đẹp. Họ quen nhau từ thuở mười bảy, mười tám tuổi và gia đình người yêu muốn anh du học Pháp. Khánh Vân nghiêng đầu, che miệng cười: “Tưởng tượng phải xa nhau năm năm, không được gặp nhau thì… chịu làm sao nổi”. Thế là, chị suy nghĩ, tự tính toán và thấy phương án theo người yêu sang Pháp rất khả thi. “Lúc đó, tôi tự quyết định hết. Tôi nghĩ người ta làm được, mình cũng làm được. Tại sao không?”
NUÔI ƯỚC MƠ TRÊN ĐẤT PHÁP
“Tôi rất thích quãng thời gian học thiết kế bên Pháp”, Khánh Vân chia sẻ. “Tôi được học những điều mà có lẽ không ở đâu khác có thể dạy mình. Tôi thấy mình giống như đã… lọt vô đúng chỗ”. Đi du học tự túc, nguồn tài chính ít ỏi, cuộc sống xa nhà không thể nói là thong thả. Chị kể lại: “Tôi đầu tư tiền học khá lớn nên không muốn mạo hiểm bỏ đi làm trong khi việc học sa sút. Chính vì vậy, trong hai vợ chồng, ông xã là người đi làm thêm nhiều hơn, để kiếm tiến nuôi vợ”. Giáo viên trong trường gọi cô học trò Việt Nam bằng biệt danh “computer”. “Tôi không hiểu rành tiếng Pháp lắm nhưng khi thầy cô giảng bài thì tôi giống như đang nuốt lấy từng từ một và khi làm cái gì là chính xác cái ấy”, Khánh Vân giải thích. “Họ nói không hiểu làm thế nào mà tôi có thể thực hiện đúng từng chi tiết, giống như chụp lại chính xác từng thao tác của giáo viên?!”
Sống trong lòng Paris, Khánh Vân đã “quần” hết tất cả các ngõ ngách thời trang của kinh đô thời trang hoa lệ này, từng đi biền biệt từ tám giờ sáng đến tám giờ tối trong các mùa Soldes (bán hàng giảm giá): “Thật khó để diễn tả! Tôi hơi ngợp khi qua bên đó. Nó có quá nhiều thứ đẹp, quá nhiều thứ lộng lẫy”. Chị từng đặt chân vào cửa hàng lớn và sững sờ, như nàng lọ lem lần đầu bước vào cung điện hoàng gia: “Tôi có hơi chút tủi thân, không biết đến chừng nào mình mới được mặc bộ đồ đẹp như vậy, được làm ở một chỗ như vậy?!” Nhớ lại chuyện cũ, chị cười: “Lúc đó, tôi không hề có một đồng vốn nào trong tay hết nhưng đã nhen nhúm mơ ước: Sau này về Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ có nhãn hiệu thời trang riêng. Tôi nghĩ vậy và bắt tay lập kế hoạch. Trong vòng một năm, tôi chỉ ngồi và lên bảng kế hoạch mình sẽ làm gì khi có tiền, từng khâu một, chuẩn bị mặt bằng, chuẩn bị đồ đạc, tất cả mọi thứ, luôn cả cái tên thương hiệu”.
VỀ VIỆT NAM KHỞI NGHIỆP
Nhờ lên kế hoạch như vậy, công việc chuẩn bị khai trương Glamod khá thuận lợi, dù Khánh Vân ôm luôn phần lên ý tưởng décor cho cửa hàng. Những ngày thi công, chị bám sát đội thợ để đảm bảo kết quả làm ra theo sát ý tưởng ban đầu. Tiếp đó, chị để cửa hàng chơi không ba tháng, dồn sức chuẩn bị trang phục. Mỗi thiết kế, chị tự mình trải nghiệm trước: “Khi cắt đồ, tôi lấy ni của mình làm ni mẫu để thử, để cảm nhận được cảm giác của khách hàng khi mặc chiếc đầm đó sẽ như thế nào. Nhiều lúc tôi phải đặt mình vào vị trí đi chọn mua một món đồ nào đó: mình sẽ chọn như thế nào và sẽ thích nó vì sao?”
Khánh Vân mất thời gian khá lâu cho việc nghiên cứu cách tạo ra phom đúng dáng chuẩn người Việt Nam. “Tôi đi nhờ những người xung quanh, lấy số đo của họ, tìm số đo trung bình, nghiên cứu sao cho ra một phom dáng gần với nhiều người nhất. Khi mình may lên một sản phẩm, mười người thử thì phải có tám, chín người vừa ý”, chị tâm sự. Glamod đang thay đổi hướng kinh doanh, tạm biệt áo sơ mi, quần tây và đầm dạ tiệc đắt tiền, chỉ chuyên phát triển dòng đầm công sở và váy cocktail: “Chúng tôi không chạy theo thị trường, thiết kế cũng không quá bay bổng mà cân đối giữa hai yếu tố đó. Về mẫu mã, chúng khá đơn giản nhưng thể hiện được hết những mong muốn làm đẹp của người phụ nữ”. Giá mỗi chiếc đầm Glamod không vượt qua sáu chữ số để nhằm thu hút và đi sâu vào thế giới của phái đẹp công sở.
Bên cạnh chiến lược kinh doanh, Khánh Vân có lý do riêng: “Tôi thích thấy một sản phẩm mình làm ra có ít nhất một trăm người mặc thử. Như vậy, mới có cảm hứng để làm tiếp chứ! Bạn bỏ tâm huyết ra thiết kế một chiếc đầm mà chỉ một vài người mặc và nhịp độ khách hàng ra vào cửa hàng thưa thớt thì mình cũng rất…”, chị thay cho từ cuối bằng chuỗi cười lớn. Chị nói, vào cuối buổi gặp gỡ, trong vẻ rạng rỡ: “Khát vọng lớn nhất của tôi là tạo ra được nhãn hiệu riêng cho mình. Tới thời điểm này, tôi gần như đã đạt tới rồi!” Con đường phía trước là ngày tháng rộng dài để phát triển thương hiệu Glamod, “nuôi dưỡng” một giấc mơ đã hiện thực hóa thành công.
Quote:
“Lúc đó, tôi không hề có một đồng vốn nào trong tay hết nhưng đã nhen nhúm mơ ước: Sau này về Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ có nhãn hiệu thời trang riêng.”